Cà phê phố núi

Cà phê phố núi

21 Tháng Bảy, 2021 0 By Đinh Thành Trung

    

Xuân về, thật nhớ những con đường như những dải lụa hồng trên phố núi Pleiku. Rồi nhớ những ly cafe trộn với gió sương nơi mảnh đất lưng chừng ấy.

Ngày đó, bố tôi kể rằng đã bị hớp hồn bởi cà phê Dinh Điền. Đến lạ, cái thời còn thiếu thốn mà nhất quyết phải làm một ly cafe mỗi ngày mới chịu được, bởi nó ngon quá, quyến rũ quá. Đúng, để đến mức phải dùng từ “quyến rũ” để tả thì biết độ ngon của cà phê Pleiku là thế nào. Tôi nhớ những người họ hàng lớn tuổi trong các bữa tiệc tụ họp bàn nhau nhất quyết phải nhờ người trên đó mua được mấy gói cà phê xịn để mời nhau uống. quả là một cơn sốt cà phê không đâu có được.

Vậy cà phê Pleiku nó ra sao mà nhiều người khen như vậy? Câu hỏi đó cứ quấn lấy tâm trí tôi, để rồi một ngày hạ tôi có dịp tự mình trải nghiệm cái sự ngon lành đó. Gọi là hiểu biết thì không đúng, hiểu trọn lại càng không, dù tôi đã lang thang hơn chục quán trên phố núi để thưởng thức, để cảm nhận xem cafe Pleiku ngon thế nào, nhưng rôi tôi ngộ ra một điều, đó là cái chất, là cái tâm trong mỗi ly cafe phố núi. Dù cho cà phê “hiện đại” bây giờ nhiều người nói khó so sánh với cà phê huyền thoại ngày xưa, nhưng không vì thế mà tôi đánh giá thấp cà phê của ngày nay, vì… tôi vẫn thấy ngon, vậy thôi.

Có lẽ, cái tự tin của một thằng háu ăn, ham nhậu đã khiến tôi đủ dũng cảm để ngẩng mặt đánh giá cái gì là ngon, cái gì không ngon, nhất là lại dám khẳng định như đinh đóng cột với họ hàng hay anh em bạn bè. Được đồng ý cũng nhiều nhưng phảm đối cũng lắm, duy chỉ có điều cafe Pleiku ngon nhất thì tôi cứ gân cổ cãi bằng được. Không chỉ bởi nơi đây có cả một “pho lịch sử” về cafe mà dân ghiền từ bắc chí nam hằng ngày vẫn thêu dệt nên những câu chuyện huyền thoại, mà còn vì đó đúng là café thật.

Vâng, với tôi đơn giản chỉ là “thật mới là ngon”, thời buổi kinh tế thị trường, nhiều quán chạy theo lợi nhuận nên đã pha phụ gia vào cà phê để tạo hương liệu. Khách bây giờ cũng bận rộn, dù biết là có pha nhưng vẫn tặc lưỡi uống. Tệ hơn, nhiều chỗ pha trộn khéo quá nên đánh lừa được những người khách không am hiểu, còn dân rành thì chỉ đi đến một số chỗ nhất định để uống. Vậy mới thấy, ở đâu tôn trọng khách hàng, bán hàng bằng cái tâm thì đó đúng là nơi nên đến.

Tôi đã được thưởng thức trọn vẹn cái cảm giác ngây ngất của cà phê thật, làm theo cách truyền thống ở các quán cafe Pleiku, từ những cái tên lâu năm như Thu Hà đến Memory thời thượng, tư Vương Cát đến Classic, rồi đến những cái tên đình đám như Trung Nguyên, tất cả tổng hòa tạo ra một bức tranh cafe đầy màu sắc cho phố núi vốn đã rực rỡ từ lâu. Đâu cũng có quán này quán kia, nhưng một khi đã hình thành nên bản sắc văn hóa, nền tảng kinh doanh thì không còn chỗ cho làm ăn chế biến gian dối. Hàng chục quán cafe ở Pleiku mà tôi đã đi qua đều có lượng khách thân quen, đều có không khí và sự thỏa mãn trên khuôn mặt khi thưởng thức một ngụm cafe ngon, không khí đó ít nơi có được.

Văn hóa cafe Pleiku có thể nói là khá nổi tiếng, ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng nghe tiếng tăm. Trải qua thăng trầm lịch sử, cái thú uống café của dân phố núi không hề mất đi mà ngày càng phổ biến hơn, cũng một phần vì Pleiku làm du lịch rất tốt, thu hút thêm nhiều du khách vun đắp cho loại văn hóa độc đáo này. Chỉ cần một người khách du lịch khen ngon rồi quảng bá lan tỏa còn hiệu quả hơn nhiều so với việc bỏ cả núi tiền ra thuê quảng cáo. Bới cái chất cafe thật luôn bám rễ trong văn hóa kinh doanh café ở Pleiku, dù có biến tấu ra sao. Phong cách bán cafe đã phong phú hơn về chủng loại và vị trí, đến mức con đường cà phê nằm dài con dốc võng trong khu Đức An, như Nhạc Trịnh, Đùng Đình, Hình Như Là, Dáng Xưa, Souvenir… mỗi quán có một đặc trưng riêng, nhưng chất lượng cafe thì luôn được chăm chút. Để rồi giờ đây, thứ văn hóa cà phê đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong dòng chảy bất tận của thời gian.