
Lâng lâng rượu hồng đào
Mới sáng dậy, nhận được ba cú điện thoại nhỡ và lời mời đến Tam Kỳ. Để làm gì nhỉ? Uống rượu Hồng Đào.
Thứ chất lỏng trong veo, màu hồng nhạt ấy làm con tim người ta xao xuyến. Màu không đậm như ngọc đúng không? Tôi có gặp một cô gái, người nói rằng đừng bao giờ thưởng thức, dù chỉ nhấp môi một chút thứ rượu đất Quảng này, bởi thương đấy. Thương chứ không phải yêu, thương cái đã rồi yêu thì tính sau. Mùi hương thơm nồng ấy đánh thức khứu giác của du khách phương xa, cho tôi trải nghiệm thú vị trong cuộc đời.
Và thật lạ làm sao, cũng chính cô gái ấy, người làm dâu một gia đình đất Quảng, vẫn không uống được rượu Hồng Đào sau hai mươi năm. Mỗi khi tiếp khách đến chơi nhà, cô rót rượu mời khách rất điệu nghệ, có thể đưa lên cao, rót như sợi chỉ xuống từng chiếc chén mà không rớt một giọt nào ra ngoài. Nhưng cô chỉ nhấp môi một chút, lần nào uống cả chén cô cũng đều ngất ngây.
Kể cho tôi nghe với đôi má đỏ bừng vì đã trót uống một chén rượu, cô cũng chỉ còn biết bâng khuâng với kỷ niệm thời con gái. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm rồi tiếp theo thế nào nhỉ. À, “rượu xứ Quảng mới uống đã say”. Cả đám cỗ cười tươi rần rần vì câu trích dẫn sai sự tích. Không sao, không sao. Dù được an ủi, nhưng cô gái, người quyết tâm làm dâu đất Quảng liền uống một chén rượu Hồng Đào tự nguyện.
Nghe nói, rượu Hồng Đào bắt nguồn tự sự tích ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Có hai cha con làm lụng chăm chỉ, tốt tính và cần cù. Thứ rượu do cô con gái họ Nguyễn, tên Hồng Đào nấu ra có mùi thơm nồng nàn và vị ngon khó cưỡng. Cô bạn tôi nói thêm, do cô gái vừa xinh đẹp lại nết na nên nhận được sự thương mến của trời đất nên mới nấu ra được loại rượu ngon như thế. Tôi còn nghe một số người nói, cô gái giúp cha việc cất rượu, nhưng vị ngon của rượu do người cha sáng chế ra, bởi ông nấu rượu theo bí quyết gia truyền. Loại rượu này được nấu từ gạo mới còn nguyên cám, được ủ trong chum sành chôn dưới đất, tạo ra mùi thơm quyến rũ tất cả thực khách đã thử qua.
Lạ một điều, rượu Hồng Đào nổi tiếng như vậy, là cái danh đã được nhiều người cả nước biết đến nhưng để tìm một bình rượu Hồng Đào đúng chuẩn thì lại rất khó. Ngay cả ở Hà Nội hay TPHCM, muốn thưởng thức mùi vị đặc trưng này quả không dễ. Thậm chí, khi đến Tam Kỳ, muốn mua về làm quà cũng đắn đo suy nghĩ, bởi người này nói chỗ này ngon, người kia nói chỗ khác ngon hơn. Tuy vậy, nếu thử qua nhiều loại, tất cả đều cho tôi cảm giác thật đáng để đặt chân đến Quảng Nam, được nếm thử thứ hương nồng say chưa bao giờ nghĩ đến. Cùng là rượu nhưng cảm giác tê tê thật nổi bật. Chừng đó là quá đủ để đến đây, cùng nhau nâng chén thưởng thức thứ tinh túy của công sức con người.
Rượu ấm áp tình người, rượu thơm nồng đặc biệt. Rượu như một bài dân ca nhẹ nhàng mà réo rắt. Chỉ mấy lời giới thiệu đó thôi là đủ làm du khách ngạc nhiên, háo hức. Rồi biết được quá trình công đoạn vất vả mới thấy hết độ ngon của rượu Hồng Đào. Để có được chén rượu trên tay chúng ta, người dân phải rất vất vả, thức khuya dậy sớm, đến đồng áng nhiều lúc còn gác lại để cho ra mẻ rượu ngon vừa lòng khách hàng. Đó chính là sự tin tưởng và cái tâm của người nấu rượu Hồng Đào, tạo nên món quà quê giản dị mà ấm áp tình người. Món quà nồng hương nếp mới, hương đồng, hương lúa, hương cuộc sống mê say.
Quả vậy, không có bàn tay con người tỉ mỉ, chăm chút thì sao ra được mẻ rượu ngon thế này? Vừa mở nắp bình, hương thơm tỏa ra lồng lộng, ngọt ngào. Chỉ mùi thôi đã đủ cả cả những người trong căn phòng say đắm. Rồi tiếng giục giã vang lên. “Lấy đi, lấy ra đây anh em cùng uống”. Gia chủ hiếu khách, vội đem ly, đem chén. Thế là đủ để con người cảm cái tình của nhau. Có lần ở Hà Nội, người bạn quê Quảng Nam lấy rượu Hồng Đào ra cùng uống trong tiết trời se lạnh, mấy ai còn nhớ những lạc thú ở chốn phồn hoa đô thành? Rượu có lẽ là tượng trưng cho mối quan hệ, cho kết giao bạn bè, nhưng rượu Hồng Đào hôm ấy là khám phá, là trải nghiệm tuyệt vời.
Chén rượu Hồng Đào làm tôi thấy cả đắng, cay, ngọt bùi trong đó. Cảm xúc ấy đến từ chính người nấu rượu, đến từ cả những du khách phương xa. Ai bảo hương vị tuyệt vời quá? Nó chứa đựng cả niềm tự hào lâu đời, của những người dân thức khuya dậy sớm để làm ra một mẻ rượu Hồng Đào nức tiếng. Họ sống cuộc đời an yên, tự tại. Bản sắc truyền thống đọng lại hết trong chén rượu Hồng Đào này đây! Đó là cảm giác tôi có được khi nâng chén lên rồi thưởng thức. Nó như tinh túy đã hòa cả vào, như lời tâm sự của cuộc sống người dân nơi đây.
“Quảng Nam đi mãi chẳng đển nơi”. Ấy là ngẫu hứng đọc lên vài lời cảm thán cho chén rượu ngon lành mà các du khách xa xôi được thưởng thức lại nơi ấy. Đến lại nấn ná không muốn về, cũng bởi có chén rượu đượm nồng yêu thương. Nghề nấu rượu Hồng Đào hàng năm vẫn cho ra lò tinh túy của đất trời, của con người như thế. Nhiều khi, chén rượu ngon còn ở cái tình chứ không chỉ là chất lượng. Bao tinh túy đất trời, vào một bàn tay hờ hững thử hỏi có ra được vị ngon ấy? Tin chắc là không, bởi nghề truyền thống này đã tồn tại bao nhiêu năm nay ở Quảng Nam rồi. Họ nghiêm túc với nghề, họ muốn đem sự khéo léo và bí quyết gia truyền để rạng danh dòng họ. Cũng là cái tâm tình đơn giản, chân thật của người dân thôi, và đây chính là cách để họ tạo vị ngon trong chén rượu tưởng như rất đỗi bình thường ấy.
Đất Quảng tôi đến, nâng chén rượu không thấy sầu thêm mà trong tâm lại vui vẻ, nhiệt huyết. Xuân đến, những món quà quê dân dã lại thăng hoa, tỏa sáng cùng con người Việt Nam.